Năm 2016, đang làm kỹ sư cơ khí cho một tập đoàn lớn với mức thu nhập cao, Nguyễn Hồng Huy (34 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sô cô la Hallelu) quyết định rẽ sang hướng đi mới khiến nhiều người ngỡ ngàng. Anh nghỉ việc, bắt đầu khởi nghiệp với cây ca-cao chỉ vì không muốn mãi nhìn bà con nông dân cứ đến mùa thu hoạch lại ngậm ngùi vì chẳng được bao nhiêu. Huy nỗ lực, đợi ngày ca-cao thôi đắng.
Chiếc máy nghiền đầu tiên
Huy kể, công việc kỹ sư ngày trước tạo điều kiện để anh đi khắp khu vực miền nam, tiếp xúc với rất nhiều bà con nông dân. Nhiều lần, tận mắt chứng kiến người trồng dù tiếc nuối vẫn phải chặt bỏ cây ca-cao họ gắn bó bao năm vì giá trị kinh tế thấp. Loại cây lâu năm bỏ công chăm bẵm, vậy mà khi thu hoạch chẳng bán được hết, giá thành lại bấp bênh, nghĩ tới nghĩ lui thôi thì đốn hạ, trồng cây khác lo kế sinh nhai. Nhìn vào những đôi mắt mỏi mệt ngay trên khu vườn nhà mình, Huy muốn làm gì đó để san sẻ bớt nỗi lo này.
“Làm gì cho bà con bớt khổ bây giờ? Chỉ có cách mình tạo ra mô hình kinh doanh nào đó đủ điều kiện thu mua ca-cao giá cao. Máy làm sô-cô-la, đúng rồi, phải làm cho bằng được những chiếc máy gia công chất lượng thì mới tạo thêm đầu ra cho bà con…”. Suy nghĩ này cứ thôi thúc chàng trai trẻ. Đắn đo một thời gian dài, khi thấy niềm tin đủ lớn, Huy “liều lĩnh” xin nghỉ công việc bao người mơ ước, tự vẽ kế hoạch cuộc đời. Lúc bấy giờ, cả người thân và bạn bè đều ngăn cản vì cho rằng ý tưởng khởi nghiệp ấy cũng bấp bênh như giá xuất khẩu hạt ca-cao khô. Họ sợ Huy vì một phút bốc đồng mà không lường trước được thử thách. Khi ấy, anh chọn lặng lẽ thực hiện ước mơ.
Chiếc máy nghiền đầu tiên thành hình vào cuối năm 2016 với xấp bản phác họa bằng tay và các linh kiện tìm mua từ nhiều xưởng phế liệu để mức chi thấp nhất. Ngồi một mình trong đêm, đón nhận mẻ bột ca-cao mịn đúng chuẩn từ chiếc máy do mình tạo ra sau nhiều lần thử sai, Huy muốn khóc. Vậy là anh đã mở được nút thắt quan trọng cho quy trình sản xuất
sô-cô-la chất lượng cao mà bản thân ấp ủ, mày mò từng bước. Thời điểm ấy, Huy cực đủ bề vì vốn ít, dồn hết vào chế tạo máy, các công đoạn sơ chế ban đầu đều thực hiện bằng tay, tỷ lệ sai sót cao, phải bỏ đi làm lại rất nhiều. “Máy làm xong sau một năm nhưng phải mất thêm chừng đó thời gian để chỉnh sửa lỗi kỹ thuật và xử lý các tình huống phát sinh. Ban đầu chưa rành, thay vì làm máy nhỏ gọn, tôi đi ngược, làm chiếc máy nghiền sô-cô-la to nhất, nặng đến 100 kg. Khi ấy tôi có nghiên cứu nhưng chưa đủ sâu, máy móc ra đời cũng khác biệt với thị trường, thành ra cứ vừa làm vừa chỉnh, coi như tự tạo áp lực cho chính mình. May là giai đoạn đó tôi không bỏ cuộc, nếu không làm gì có thêm năm dòng máy gia công sô-cô-la hoàn chỉnh đến ngày hôm nay. Ai cũng tặc lưỡi nói thằng này vừa liều vừa lì, cứ làm mấy chuyện viển vông, nhưng tôi thấy rõ con đường mình phải đi”, Huy nhớ lại.
Năm 2018, Huy thành lập công ty khởi nghiệp với khu nhà xưởng nhỏ đặt tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), tự thiết lập quy trình chế biến ca-cao và sô-cô-la từ nguồn nguyên liệu thu mua trực tiếp tại miền Tây và các tỉnh Tây Nguyên với mức giá gần gấp đôi thị trường. Bà con phấn khởi, Huy mừng dù lúc đó sản lượng thu mua còn khá khiêm tốn. Bao nhiêu tiền tiết kiệm trong quá trình làm cho tập đoàn lớn, Huy “rót” hết cho dự án này. Hai năm sau, chiếc máy gia nhiệt sô-cô-la của anh thành hình, đạt công suất
40 kg mỗi giờ. Thấy máy hoạt động tốt, anh tiếp tục cải tiến nâng công suất lên tối đa 60 kg mỗi giờ và tích hợp thêm hệ thống rung khuôn nhằm đưa hai công đoạn vào một hệ thống, tiết kiệm chi phí cho người sản xuất. Theo tính toán của nam kỹ sư, chiếc máy này có thể hoạt động ổn định hơn 20 năm với mức giá từ 200 – 250 triệu đồng, rẻ một nửa so với máy nhập khẩu. Những đơn hàng máy móc đầu tiên xuất hiện, Huy bắt đầu nghĩ thêm nhiều việc để làm.
Đi đường dài
Từ năm 2016 đến nay, Huy đã tự nghiên cứu và chế tạo ra 6 loại máy giúp hoàn chỉnh quy trình sản xuất sô-cô-la tại Việt Nam, từ tách vỏ, nghiền hạt ca-cao đến gia nhiệt sô-cô-la, đổ khuôn, bọc viên, đóng gói sô-cô-la và ép bơ ca-cao, làm bột ca-cao… Không chỉ phục vụ cho công ty, anh còn cung cấp máy móc đến nhiều đơn vị khác trên phạm vị cả nước và chia sẻ cả nguồn nguyên liệu nếu các bên có nhu cầu. Huy nói, đó là cách thiết thực để cùng nhau đi đường dài, để bà con trồng ca-cao thêm đầu ra ổn định mà yên tâm nâng cao chất lượng của loại nông sản này. Vì nếu ôm mọi thứ cho riêng mình, một công ty khởi nghiệp như Hallelu khó có thể tạo nên sự chuyển biến rõ rệt cho ngành sô-cô-la như Huy mong muốn.
Thiếu kinh phí, chưa thể hoàn chỉnh máy móc, thời gian đầu, sô-cô-la thành phẩm của công ty Huy mắc lỗi liên tục do chưa được gia nhiệt đúng kỹ thuật, dù tiếc, vẫn phải bỏ đi làm lại. Nhận thấy kiến thức chuyên môn còn khuyết, anh quyết định dành thêm nhiều thời gian để học. Cứ thấy tài liệu về ca-cao, sô-cô-la, anh lại đọc miệt mài, ghi chú lại những điểm cần lưu ý và thực hành với chính các loại máy móc do mình tạo ra. Anh kết nối với nhiều chuyên gia trong ngành để tiếp cận kiến thức mới, bổ sung thêm kinh nghiệm, dần chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng đồng đều cho các mẻ thành phẩm tại xưởng.
Còn nhớ những ngày đầu khởi nghiệp, mất rất nhiều thời gian mới có được mẻ sô-cô-la thủ công thô sơ về kiểu dáng, Huy lặng lẽ mang đến phố Tây Bùi Viện (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) mời khách du lịch nếm thử. Nhận nhiều lời khen khi thành phẩm chất lượng, anh mỉm cười, về nhà tiếp tục nghĩ thêm công thức gia công mới. Từ vài loại sô-cô-la thanh đơn giản ban đầu, đến nay, Hallelu đã có hơn 50 dòng sản phẩm liên quan đến ca-cao và sô-cô la tiếp cận thị trường trong nước và một số quốc gia trên thế giới, phục vụ nhu cầu ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.
Thế nhưng, ngay cả khi ăn sô-cô-la và đánh giá cao về chất lượng cùng công thức riêng, nhiều người vẫn thắc mắc quy trình sản xuất của Hallelu với các loại máy móc do Huy tự chế tạo. Thấy nhu cầu trải nghiệm từ thị trường lớn dần, Huy lại gom góp tiền, mở hẳn cửa hàng lớn giới thiệu sản phẩm và công khai toàn bộ quy trình sản xuất sô-cô-la. Huy nói, thay vì mời từng người đến xưởng giới thiệu, anh tạo một không gian mở để ai yêu thích lĩnh vực này đều có thể tìm đến ngắm nhìn, đặt câu hỏi trực tiếp với người sản xuất.
Bận rộn với các đơn hàng và dự án kỹ thuật mới nhưng mỗi ngày, Huy đều dành thời gian ghé thăm cửa hàng. Dù tiếp đoàn khách lớn hay chỉ vài bạn sinh viên, Huy đều vui vẻ kể lại câu chuyện khởi nghiệp của mình. Tại đây, mọi người dễ dàng quan sát toàn bộ quy trình sản xuất sô-cô-la theo kiểu từ nông trại đến bàn ăn với các hình ảnh trực quan nhất và nghe chính người trong cuộc thuyết minh, giới thiệu sản phẩm. Huy chọn cách này để quảng bá thương hiệu và câu chuyện chung quanh từng dòng máy móc vì anh biết, khi thấy “người thật, việc thật”, mọi người sẽ gia tăng niềm tin. Lúc ấy, Huy có cơ hội tìm thêm nhiều bạn đồng hành, từng bước thực hiện các kế hoạch lớn hơn trong tương lai.
Huy nói, anh không muốn độc quyền thương hiệu mà mong có thể tạo động lực để ngày càng nhiều bạn trẻ yêu thích sô-cô-la cùng bước vào hành trình này. Anh chọn ứng dụng công nghệ, đầu tư thời gian và chất xám để thu về giá trị cao nhất thay vì tập trung gia công, sản xuất sản phẩm thô sơ. Anh chọn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, nguồn nguyên liệu, cung cấp máy móc theo điều kiện kinh tế của đối tác, miễn sao có thêm nhiều mẻ sô-cô-la Việt Nam chất lượng góp mặt trên thị trường.
Nguồn từ bài viết gốc trên báo Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-ca-cao-thoi-dang-post822888.html